Một chậu cây nhỏ xinh đặt trên bàn làm việc không những giúp trang trí nơi văn phòng mà còn là giải pháp giảm stress, tạo cảm giác thư thái và nâng cao hiệu quả công việc. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn cách lựa chọn loại cây như thế nào là phù hợp.

1. Xu hướng “xanh hóa” không gian sống trong thời hiện đại

Khi không khí ô nhiễm và khói bụi ngày càng nhiều hơn thì con người dần nhận ra tầm quan trọng của việc mang “thiên nhiên” vào môi trường sống hay làm việc, vừa giúp tô điểm cho cảnh quan lại vừa giảm thiểu khói bụi, tốt cho sức khỏe.

Có những nghiên cứu cho thấy rằng, cây xanh không những giúp thanh lọc không khí mà còn hạn chế các bức xạ điện từ phát ra từ máy tính, điện thoại hay máy in trong phòng làm việc mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thống tim mạch, thần kinh và thậm chí là gây vô sinh. Bên cạnh đó, màu sắc đa dạng từ các loại cây còn tạo cho mắt bạn cảm giác dễ chịu, giảm các triệu chứng mỏi mắt khi phải làm việc quá lâu. Hãy tưởng tượng nếu bạn sở hữu một “khu vườn” nhỏ ngay chính nơi làm việc của mình để tỉa tót, ngắm nghía những khi căng thẳng thì tinh thần sẽ tốt hơn biết bao nhiêu!

Có cầu ắt sẽ có cung, thế nên ngày nay các nhà vườn cho ra vô số những giống cây nhỏ nhắn, không chiếm quá nhiều không gian với muôn hình vạn trạng, đủ sắc màu và cách chăm sóc phù hợp với người sử dụng. Giá thành của những giống cây này cũng lại rất hợp túi tiền, không quá đắt đỏ như các loại cây to dùng để trang trí trong khuôn viên lớn.

2. Gợi ý một số loại cây phù hợp cho dân văn phòng

Thông thường, các công ty đều có văn phòng dạng khép kín với rất ít ánh sáng tự nhiên, chiếu sáng chủ yếu bằng bóng đèn huỳnh quang. Do đó, điều trước tiên cần lưu ý khi chọn cho mình một chậu cây trưng nơi bàn làm việc là những giống cây có thể phát triển tốt trong bóng râm và ánh đèn huỳnh quang, không cần quá nhiều ánh sáng mặt trời, như vậy thì cây sẽ sống lâu và ít tốn công chăm sóc hơn.
Khi lựa chọn cây để bàn, bạn cũng nên tìm hiểu những giống cây có kích thước vừa phải, hạn chế các loại cây dây leo sinh trưởng quá nhanh gây vướng víu hay những loại cây ra hoa liên tục sẽ gây ảnh hưởng đến các đồng nghiệp bị dị ứng với phấn hoa. Một số giống cây mini mà bạn có thể tham khảo dưới đây:

2.1 Cây sen nhật mini

Sen là loại cây hoa thủy sinh truyền thống của Việt Nam mà hầu như ai cũng đều ưa thích. Tuy nhiên, giống sen Việt Nam lại khá to, vì thế nếu bạn thích trồng sen thì có thể chọn sen nhật mini, một giống sen nhỏ với thời gian ra hoa sau 1 năm.

Sen nhật mini có 5 loại màu sắc mà bạn có thể lựa chọn gồm: sen trắng, sen đỏ, sen xanh, sen hồng và sen tím thẫm. Khác với những loại cây ưa bóng râm, sen nhật mini cần được phơi nắng khoảng 6 giờ/ngày để đảm bảo thời gian ra hoa đúng vụ là mùa xuân và mùa hè.

2.2 Cây lô hội

Cây lô hội hay còn gọi là cây nha đam, có lá mọng nước với kích thước rất nhỏ gọn nên có thể đặt ở bất kỳ nơi đâu. Loài cây này cũng có khả năng thanh lọc không khí, hấp thụ các bức xạ điện từ từ máy tính và điện thoại, tạo không gian xanh - sạch hơn cho nơi làm việc.

2.3 Cây hoa sen đá

Sen đá, cũng như lô hội, là loại cây nổi bật với khả năng hút bức xạ điện từ và đặc tính dễ chăm sóc, ít phải tưới nước cũng như không ưa sáng. Cây sen đá khi được chăm sóc tốt và đúng cách, lá sẽ sáng bóng, hoa nở đều và đẹp tựa như đá quý điêu khắc.

2.4 Trầu bà ta

Một loại cây với ưu điểm làm sạch không khí khác nữa là trầu bà ta. Trầu bà ta vừa có thể trồng trong đất cũng vừa có thể trồng thủy canh, tùy theo ý muốn của bạn. Cây có vẻ ngoài nhỏ xinh, lá xanh điểm thêm vài vệt trắng, rất thích hợp với những bạn nữ tính và nhẹ nhàng.

2.5 Cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ rất được ưa chuộng trong trang trí nội thất vì nó phù hợp với nhiều dáng chậu và dễ chăm sóc. Ngoài ra, lá của cây lưỡi hổ hấp thụ tốt bức xạ máy tính và vi khuẩn trong không khí. Người trồng cây lưỡi hổ nên thường xuyên lau 2 mặt lá của cây để cây quang hợp tốt hơn.

2.6 Cây Bướm đêm

Loài cây có cái tên rất “kêu” này thường được trồng và nhân giống bằng tách củ. Như cái tên của nó, cây bướm đêm có lá màu tím than, hình như cánh bướm. Vào ban ngày, tán lá mở rộng, còn khi về đêm sẽ khép lại như những chú bướm đang đậu. Cây bướm đêm chăm sóc không khó, lại có mùi hương thoang thoảng dễ chịu.

Ắt hẳn bướm đêm sẽ là một điểm nhấn cho không gian làm việc của bạn với vẻ ngoài và đặc tính khác biệt.

2.7 Cây Cau Tiểu Trâm

Cây cau tiểu trâm chính xác là một phiên bản mini của cây cau thường, vừa có thể trồng trong đất cũng có thể trồng thủy canh trong chậu thủy tinh rất bắt mắt. Cây ưa bóng râm với những tán lá nhọn dài màu xanh cực kỳ mát mắt.

Cau tiểu trâm được mệnh danh là loài cây tượng trưng cho những cố gắng không ngừng nghỉ, thể hiện sự mạnh mẽ vượt qua mọi thách thức. Nếu bạn đang muốn tìm một loại cây để khích lệ tinh thần làm việc thì đây là một gợi ý không thể bỏ qua.

2.8 Cây Cọ ta

Cây cọ ta có dáng thấp với lá cọ màu xanh đậm, mép lá xẻ như răng cưa, dễ trồng và dễ chăm sóc. Cây tượng trưng cho sự viên mãn, mang đến may mắn và tài lộc. Trên bàn làm việc nếu có trang trí một chậu cây cọ ta sẽ thể hiện được bạn là một người sang trọng và thanh lịch.

Là một giống cây có tán to nên cọ ta dễ dàng lọc sạch không khí trong phòng làm việc, kể cả khói thuốc lá. Bên cạnh đó, cây cọ ta cũng được NASA công bố có khả năng xua đuổi các loại côn trùng như ruồi, muỗi, kiến gián.

2.9 Cây Cung Điện Vàng

Cũng như lưỡi hổ, cây cung điện vàng là cây chịu bóng râm, được lựa chọn khá nhiều khi trang trí nội thất. Chăm sóc cây cung điện vàng không cần quá cầu kỳ vì cây chỉ cần đất vừa đủ ẩm, không phải tưới thường xuyên.

Một số quan niệm về phong thủy cho rằng, cây cung điện vàng ngoài điều tiết không khí còn giúp xua tan đi những điều xui xẻo, mang đến may mắn cho người trồng.

2.10 Cây Dứa cảnh nến đỏ

Cây Dứa cảnh nến đỏ ngoài màu đỏ quen thuộc còn có màu vàng xanh, màu trắng với lá dạng thuôn dài, xếp đều theo hình hoa thị đến tận gốc.

Cây mang ý nghĩa tương tự như cây cung điện vàng, chỉ sự may mắn và tài lộc trong cuộc sống.

2.11 Cây hoa đồng tiền

Một loại hoa quen thuộc mà bạn thường hay bắt gặp được dùng trong trang trí nội thất đó là hoa đồng tiền. Hoa đồng tiền có nhiều màu sắc với nhiều ý nghĩa theo từng màu riêng biệt nhưng hầu hết đều như cái tên của nó, tiền tài và hạnh phúc.

Vì có nhiều màu sắc, cây hoa đồng tiền sẽ cho bạn nhiều sự lựa chọn theo sở thích, thể hiện được cá tính riêng của người trồng.

2.12 Cây hoa sống đời

Cây sống đời cũng là một loại cây được trồng nhiều để trang trí bàn làm việc hay bàn tiếp khách vì có hoa với nhiều màu sắc rực rỡ, thể hiện được ý nghĩa trường tồn như cái tên của chính nó.

Ở một số địa phương, cây hoa sống đời còn được gọi là cây lá bỏng.

2.13 Cây Trúc nhật

Trúc là một trong bộ tứ cây cao quý đại diện cho những phẩm chất của người quân tử. Loài cây này có khả năng chịu hạn vô cùng tốt nên dù bạn có quên tưới nước thì cây vẫn xanh tốt quanh năm. Cây có hình dáng tương tự cây tre nhưng lá mỏng và mướt hơn.

Cây trúc nhật được ưa chuộng với nét trang nhã và thanh mảnh, thích hợp cho phong cách sang trọng và nhã nhặn của người sử dụng.

2.14 Cây Bạch mã hoàng tử

Cây bạch mã hoàng tử thường mọc theo bụi, lá màu xanh với thân cây và cuốn lá màu trắng. Vì những đặc điểm như thế mà cây có tên là bạch mã hoàng tử. Giống cây này cao chỉ khoảng 15 – 25cm, kích thước rất đẹp để dùng trang trí nhà cửa và văn phòng.

3. Bố trí cây cảnh sao cho hợp lý không khó như bạn nghĩ!

Có hai yếu tố mà bạn cần lưu ý khi bố trí cây cảnh:

3.1 Thứ nhất là theo không gian thiết kế tại công sở.

Với dạng bàn làm việc chia ô: Kích thước sử dụng của bạn đối với loại bàn chia ô thường khá nhỏ, bạn nên ưu tiên những cây nhỏ gọn, không có tán cây rộng để tiết kiệm diện tích trưng bày những vật dụng cá nhân cần thiết khác.

Với dạng bàn lớn theo bộ phận: Những chiếc bàn thế này thường ít có đồ dùng cá nhân mà thay vào đó là các loại giấy tờ, chứng từ. Cây cảnh trưng trên bàn không nên là cây thủy sinh vì khi bất cẩn có thê gây ướt giấy tờ quan trọng hay ảnh hưởng đến những người bên cạnh.

Với dạng bàn có phần chắn trước mặt: Đây là thiết kế bàn “5 sao” dành cho những bạn yêu cây cảnh. Với loại bàn này, bạn hoàn toàn có thể sắp xếp bao nhiêu chậu cây theo ý thích đều được, chỉ cần không chiếm quá nhiều không gian làm việc của bạn.

Với bàn làm việc độc lập: Bàn làm việc độc lập tưởng chừng như có thể trưng rất nhiều loại cây nhưng ngược lại, dạng bàn này chỉ phù hợp với 1 – 2 loại cây có kích thước tầm trung, vừa tạo điểm nhấn lại không chắn đi không gian rộng rãi vốn có.

3.2 Yếu tố thứ hai nhưng cũng không kém phần quan trọng là vị trí đặt cây cảnh.

Không nên đặt cây ngang với tầm tay hay quá sát mép bàn, dễ khiến cây bị ngã khi sơ ý.

Tránh đặt cây thủy sinh gần khu vực có giấy tờ, máy móc quan trọng. Nếu là cây trồng trong đất thì nên lót thêm dĩa hứng nước dưới đáy chậu, phòng trường hợp nước chảy ra khi tưới cây.

Nếu bạn làm việc chung bàn với những người khác, nên hỏi ý kiến mọi người khi muốn đặt một chậu cây trên bàn vì nó sẽ chắn đi không gian làm việc cùng nhau.

Với những gợi ý như trên, hi vọng bạn sẽ chọn được cho mình loại cây phù hợp và tô điểm thêm cho không gian làm việc của mình nhé!